Theo TheNextWeb, mặc dù mỗi điện thoại đều khác nhau đáng kể về chất lượng và các tính năng, vẫn có một số mẹo nhỏ - cả về kĩ thuật lẫn kĩ năng – mà bạn có thể áp dụng để đưa tấm ảnh của mình lên một tầm cao mới.
Mục tiêu cơ bản: Nắm rõ kiến thức về phơi sáng
Trước khi bắt đầu, bạn nên hiểu hai yếu tố chính ảnh hưởng đến phơi sáng (độ sáng mà ảnh hiển thị) trên điện thoại của bạn: tốc độ màn trập và ISO.
Màn trập sẽ kiểm soát thời gian mà ánh sáng đi đến cảm biến của máy ảnh. Màn trập mở càng lâu, ảnh sẽ càng sáng. Tuy nhiên, ảnh sẽ bị mờ do chuyển động của vật thể.
Mặt khác, ISO xác định độ nhạy của cảm biến với ánh sáng. Chỉ số ISO càng cao cho phép bạn làm sáng hình ảnh mà không cần thay đổi tốc độ màn trập, nhưng cái giá phải trả là ảnh sẽ bị "noise" (nhiễu hạt) nhiều hơn.
Lưu ý: Có một yếu tố quan trọng nữa ảnh hưởng đến phơi sáng là khẩu độ của camera, nhưng rất ít điện thoại cho phép tùy chỉnh khẩu độ nên chúng ta sẽ không đề cập đến.
Bạn hiểu rồi chứ? Chúng ta bắt đầu thôi.
1. Phơi sáng đúng cách ngay từ đầu
Hãy chắc chắn rằng bạn đã chọn đúng chủ thể trên màn hình cảm ứng để camera có thể xác định độ phơi sáng thích hợp (và tập trung vào đúng đối tượng cần chụp). Nếu cần, bạn có thể sử dụng các công cụ bù trừ phơi sáng ngay trên điện thoại của mình. Ảnh thiếu sáng sẽ khó chỉnh sửa hơn so với ảnh thông thường, nên tốt hơn hết là bạn hãy xác định sẵn hướng đi cho bức ảnh của mình.
2. Hiệu chỉnh bằng chế độ manual
Giao diện chụp ảnh chỉnh tay (ảnh: TheNextWeb)
Nếu bạn thực sự muốn có được tấm ảnh tốt nhất có thể, hãy học cách điều chỉnh các thông số như ISO và tốc độ màn trập đã được đề cập ở trên một cách thủ công.
Nhiều điện thoại Android và Windows có chế độ thủ công được tích hợp sẵn, nhiều ứng dụng trên iOS (VSCO, Manual và Obscura) cũng có những tính năng tương tự.
3. Giữ màn trập mở lâu nhất có thể
Do giá trị ISO trực tiếp ảnh hưởng đến độ nhiễu của ảnh và khẩu độ của camera không thể thay đổi được trên điện thoại thông minh, giữ màn trập mở lâu hơn là sự lựa chọn duy nhất để bạn có những bức ảnh đẹp ở mức phơi sáng nhất định.
Tuy nhiên, tốc độ màn trập càng chậm thì càng nhiều chuyển động bị mờ đi, nên kĩ thuật này thường được sử dụng cho các đối tượng tĩnh – trừ khi bạn muốn hình ảnh của mình có hiệu ứng "motion blur" (cảm giác vật bị nhòe đi khi chuyển động nhanh) một cách nghệ thuật.
Về lí thuyết, tốc độ màn trập hợp lý sẽ biến bức ảnh chụp trong điều kiện thiếu sáng không bị nhiễu, giống như bạn chụp vào ban ngày vậy. Trên thực tế, mở rộng thời gian của màn trập chính là cách thức hoạt động của tính năng chống rung quang học (OIS), điều dẫn chúng ta tới mẹo tiếp theo.
4. Giữ cân bằng cho thiết bị của bạn
Luôn đặt thiết bị của bạn ở trên một bề mặt bằng phẳng nhất có thể. Ngay cả khi điện thoại của bạn có tính năng chống rung quang học, điều này sẽ giúp bạn giữ được màn trập mở lâu hơn và/hoặc có thể giảm giá trị ISO xuống, đồng thời không bị bàn tay của bạn làm ảnh hưởng.
Giữ cân bằng cho thiết bị là một yếu tố quan trọng để có được một tấm hình đẹp (ảnh: Benson Chan)
Nếu là người cẩn thận, hãy mang theo tripod. Kết hợp với chế độ thủ công, bạn sẽ có thể nắm trọn được khoảnh khắc.
5. Cân bằng trắng
Cân bằng trắng tốt là sự khác biệt giữa màu sắc tự nhiên với việc trông bạn như người ngoài hành tinh và có răng vàng.
Nhiều nguồn sáng trộn với nhau có thể khiến điện thoại gặp nhiều khó khăn (ảnh: TheNextWeb)
Ánh sáng càng yếu, camera của bạn càng khó xác định được giá trị cân bằng trắng cần tìm, nên bạn hãy "vọc" các cài đặt có trong điện thoại để xem xem giá trị nào là đẹp nhất theo quan điểm của bạn.
6. Dùng ánh sáng môi trường làm lợi thế cho bản thân
Một thay đổi nhỏ nhất về ánh sáng cũng có thể gây nên sự khác biệt lớn cho tấm ảnh của bạn, Khi chụp ảnh ở điều kiện thiếu sáng, hãy sử dụng mọi nguồn sáng có thể để chiếu sáng cho đối tượng chụp của bạn.
Đối tượng càng sáng thì noise sẽ càng ít, vậy nên nếu đối tượng chụp của bạn là người, hãy đảm bảo rằng ánh sáng sẽ chiếu vào mặt họ, chứ không phải lưng – đơn giản là hãy yêu cầu họ hơi nghiêng người sang bên.
7. Hạn chế dùng đèn flash
Bạn sẽ có những thắc mắc vì tôi đã nói rằng nên có càng nhiều ánh sáng càng tốt, nhưng khi nguồn sáng chỉ là một điểm nhỏ đến từ đèn flash, màu sắc của đối tượng sẽ bị biến dạng, không như ánh sáng tự nhiên từ môi trường. Vì vậy, tuy có những lợi ích riêng, bạn nên hạn chế dùng đèn flash càng nhiều càng tốt.
Sự khác biệt giữa ánh sáng từ đèn flash và ánh sáng tự nhiên (ảnh: TheNextWeb)
8. Đừng "zoom"
Nhiều chuyên gia nhiếp ảnh có phương châm rằng "zoom bằng chân của mình." Nếu bạn muốn có một cái nhìn rõ ràng hơn về đối tượng chụp, hãy lại gần nó, thay vì phóng to ảnh bằng camera. Ngoài khía cạnh nghệ thuật, đây cũng là lựa chọn tốt hơn vì căn bản tính năng phóng to trên điện thoại thông minh gần như là vô dụng.
Trừ những trường hợp ngoại lệ rất hiếm, tất cả những gì mà camera của bạn làm là cắt ảnh (crop) trước khi chụp hình. Mặc dù có thể "tạm chấp nhận" vào ban ngày, trong điều kiện thiếu sáng, đây là một vấn đề rất lớn – zoom kĩ thuật số không chỉ làm tăng độ noise của ảnh mà còn làm giảm độ phân giải.
Tất nhiên, không phải lúc nào bạn cũng có thể lại gần đối tượng chụp, nhưng trong trường hợp này, gần như chắc chắn là bạn nên crop ảnh sau. Dù sao thì bạn cũng không thể đảo ngược lại ảnh về trạng thái trước khi crop sau khi bức hình đã được chụp.
9. Sử dụng tỉ lệ khung hình và độ phân giải mặc định
Rất đơn giản: độ phân giải càng cao thì ảnh càng chi tiết. Tuy nhiên, nhiều người không nhận ra rằng thay đổi tỉ lệ khung hình, có nghĩa là bạn đã crop hình ảnh của mình và làm giảm độ phân giải xuống.
Ví dụ, nhiều điện thoại chụp hình theo tỉ lệ 16:9 để phù hợp với màn hình hiển thị, mặc dù thực ra thì cảm biến của máy ảnh là 4:3. Nói cách khác, bạn đang làm cho cảm biến nhỏ đi 25%.
Hầu hết các điện thoại Android và tất cả các thiết bị iOS đều có cảm biến 4:3, nhưng một số thiết bị như chiếc LG G4 thì khác. Bạn có thể tìm thấy tỉ lệ nguyên bản bằng cách vào cài đặt và nhìn xem thiết lập nào đem lại nhiều vật thể và môi trường nhất trong phần preview (xem trước). Nó cũng đồng thời là thiết lập có độ phân giải cao nhất.
10. Chụp ảnh RAW
Máy ảnh của Apple có thể có những chế độ xử lí hình ảnh tuyệt vời, nhưng một vài thiết bị Android và Windows được trang bị tính năng rất đáng giá cho các nhiếp ảnh gia: ảnh RAW.
Không như định dạng jpeg, ảnh RAW là ảnh không bị nén và không bị chỉnh sửa. Điều này cũng đồng nghĩa với việc bạn có thể chỉnh sửa thủ công (hậu kỳ) nhiều hơn, bao gồm thiết lập độ sắc nét, đổ bóng, giúp ảnh không bị cháy sáng và tùy chỉnh độ cân bằng trắng.
Ảnh với định dạng jpeg đã qua chỉnh sửa tự động (ảnh: TheNextWeb)
Do không được điều chỉnh noise và độ sắc nét một cách tự động, ảnh RAW khi chụp xong trông sẽ xấu hơn, nhưng bạn có thể chỉnh sửa lại sao cho đúng với sở thích của mình.
Vẫn là tấm hình đó nhưng ảnh RAW cho phép khôi phục những khu vực bị mất chi tiết (ảnh: TheNextWeb)
11. Sử dụng bộ lọc (filter) và chỉnh sửa một cách phù hợp
Các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp có thể hay "chế nhạo" các bộ lọc hình ảnh, nhưng chúng có tác dụng làm giảm độ noise của ảnh. Cụ thể, với công cụ "Fade" có trong nhiều ứng dụng, bạn có thể làm giảm độ tương phản ở những vùng ảnh bị noise, tạo cho ảnh cảm giác đẹp và rõ ràng hơn.
Nhiều người cũng yêu thích kĩ thuật "phơi sáng về bên phải" (exposing to the right), khi họ chụp một bức ảnh với độ sáng cao hơn mức cần thiết rồi sau đó làm tối nó đi để giảm noise xuống mức tối thiểu.
Trong mọi trường hợp, hãy chỉnh sửa ảnh một cách tinh tế và dùng nó làm công cụ để nâng cao chất lượng hình ảnh của bạn, chứ không phải làm giảm đi.
12. Chuyển sang tông đen trắng
Ngoài việc tăng tính nghệ thuật cho bức ảnh của bạn, tông màu đen trắng cũng làm giảm độ noise kĩ thuật số của ảnh mà biến chúng thành các "film grain" (thuật ngữ trong nhiếp ảnh chỉ cái "hồn" của ảnh film, là những hạt nhỏ li ti xuất hiện ở vùng tối và vùng sáng của ảnh).
Cân bằng trắng kém và hiện tượng "grainy" làm cho ảnh này rất khó để sửa màu (ảnh: TheNextWeb)
Tông đen trắng cũng loại bỏ những lo lắng của bạn về độ cân bằng trắng hay màu da, và bạn có thể tinh chỉnh phơi sáng nhiều hơn, trước khi ảnh của bạn đi qua ranh giới "chấp nhận được".
Chuyển sang tông đen trắng giúp loại bỏ các vấn đề về màu sắc, đồng thời nhấn mạnh các kết cấu và đường kẻ (ảnh: TheNextWeb)
Ngay cả khi bạn không hoàn toàn chuyển sang tông đen trắng, điều chỉnh độ bão hòa (saturation) của ảnh cũng giúp cho màu sắc của đối tượng gần xấp xỉ với khi chúng ta nhìn trong điều kiện ánh sáng thấp, khi mắt chúng ta ít nhạy cảm với màu sắc hơn.
13. "Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng"
Mẹo cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng chính là bạn phải biết rằng mỗi điện thoại đều khác nhau, nên hãy nắm vững những điểm mạnh và điểm yếu của chiếc điện thoại của mình.
Một số camera có hiệu quả phơi sáng thấp, số khác thì lại áp dụng quá nhiều độ sắc nét. Nhiều ứng dụng cho phép bạn kiểm soát mọi thiết lập, kể cả thay đổi mức độ noise của ảnh, trong khi có ứng dụng thì không như vậy.
Hãy trải nghiệm để có thể tìm thấy những gì bạn thích, và hãy sử dụng các ứng dụng từ bên ngoài nếu như các ứng dụng mặc định không đáp ứng được các tiêu chuẩn và yêu cầu của bạn.
Tham khảo: VnReview