#10YEARSCHALLENGE - NHỮNG THAY ĐỔI VƯỢT BẬC VỀ CÔNG NGHỆ TRÊN SMARTPHONE
Thế giới công nghệ mỗi năm đều có những sự thay đổi để bắt kịp và thậm chí là điều hướng tư duy sử dụng của người dùng một cách diệu kỳ. Và nếu nhìn lại trên một tổng thể, thì hẳn chúng ta sẽ đều kinh ngạc trước những bước biến đổi vượt bậc của các tính năng trên điện thoại di động.
2020 là năm đánh dấu mở đầu của một thập kỷ mới, hãy cùng Worldphone “tranh thủ” nhìn lại sự phát triển của smartphone trong một thập kỷ qua nhé!
-
Chụp ảnh di động
Một thập kỷ đã rút ngắn khoảng cách giữa điện thoại di động và các máy ảnh chuyên dụng một cách chóng mặt. Nếu 10 năm trước đây máy ảnh là niềm mơ ước của nhiều người thì bây giờ đa số họ sẽ chọn đầu tư vào một chiếc smartphone đa nhiệm và đủ dùng với nhu cầu chụp ảnh du lịch hay đời thường. Công nghệ camera trên smartphone đã tăng tiến vượt bậc từ ống kính đến khẩu độ, cảm biến… Nhiều công nghệ mới giúp điện thoại chụp ảnh thiếu sáng tốt hơn, ảnh chân dung với chất lượng xuất sắc.
Hãy cùng so sánh chất ảnh của máy ảnh DSLR và một đại diện cho dòng smartphone - Samsung Galaxy S8 để so sánh chất lượng nhé!
So sánh chất lượng ảnh giữa máy ảnh chuyên nghiệp và camera trên điện thoại
-
Công nghệ màn hình ngày càng phát triển, tiết kiệm năng lượng và khả năng hiển thị "khủng"
Năm 2010, Apple ra mắt iPhone 4 với màn hình Retina độ phân giải cao. Nối tiếp sau đó là một loạt cải tiến của các dòng điện thoại về độ phân giải, màu sắc, độ tương phản đều được chú trọng nâng cấp.
Tính cho đến nay, màn hình điện thoại đã không dừng lại ở LCD hay Retina. Một phát triển vượt bậc phải được kể tới nữa là sự ra đời của tấm nền sử dụng công nghệ OLED với mỗi điểm ảnh được phát sáng độc lập mà không cần đèn nền. So với LCD tiền nhiệm, OLED mang đến màu sắc chân thực, sống động, tone màu đen hiển thị sâu và độ tương phản tốt hơn rất nhiều.
Công nghệ màn hình điện thoại tăng lên vô số khiến người dùng choáng ngợp
Bên cạnh đó OLED còn có ưu điểm là mỏng và tiết kiệm năng lượng, phù hợp cho các nhà sản xuất khi thiết kế những thiết bị cần độ mỏng nhẹ. Không chỉ có OLED, thế giới màn hình di động nay đã mở ra rất nhiều những đột phá khác như AMOLED, IPS Quantum, ClearBlack, … cho người dùng thỏa sức cân nhắc.
-
Bảo mật sinh trắc học nâng tầm khả năng bảo vệ
Một thập kỷ trôi qua, bảo mật sinh trắc học ngày càng bước lên đỉnh cao với những đột phá không chỉ trong bảo mật di động mà còn tạo ra nhiều tiện ích cho cách hoạt động mua sắm và sử dụng thiết bị.
Từ mật khẩu số, bảo mật di động đã phát triển lên mức sinh trắc sâu rộng hơn
Bảo mật sinh trắc học - khái niệm nghe có vẻ cao siêu và chỉ dùng cho các tổ chức bảo mật FBI, Bộ An Ninh Nội Địa nay đã được phủ sóng trên các thiết bị di động hiện đại. Chỉ một chạm để có thể đồng bộ hóa và thanh toán, chỉ một “liếc mắt” cũng có thể mở khóa điện thoại, hay đỉnh hơn cả là các thông tin tự động khóa khi hệ thống bảo mật nhận ra đó không phải chủ nhân.
Quét mống mắt - một ví dụ cho sự phát triển của công nghệ bảo mật
Mọi chuyện bắt đầu từ 2013 khi Apple giới thiệu iPhone 5s trang bị cảm biến vân tay Touch ID. Người dùng có thể xác thực vân tay trên điện thoại trong chưa đầy một giây để mở khóa hoặc mua hàng trên App Store, sau này còn có thêm rất nhiều dịch vụ thanh toán hay các ứng dụng sử dụng vân tay như một mật khẩu bắt buộc. Tiếp sau đó là các nâng cấp về bảo mật như:nhận diện khuôn mặt (Face ID), quét mống mắt, sinh trắc lòng bàn tay mang đến khả năng bảo mật tốt và nhanh hơn Touch ID.
-
Ứng dụng nhắn tin tiết kiệm thời gian, tiền bạc và nhiều tiện ích kết nối
Người ta vẫn hay hồi tưởng lại thời kỳ giản đơn với những chiếc điện thoại đen trắng bị giới hạn ký tự mỗi khi gửi tin nhắn, không thể gửi hình ảnh, phải tốn cả tá tiền mỗi tháng cho các dịch vụ tin nhắn. Thì đến nay, thời gian 10 năm đã gần như làm lu mờ những khó khăn đó bằng sự ra đời của các dịch vụ nhắn tin qua internet, các app “chit chat” với vô số tính năng hay sự kết nối của chính những chiếc điện thoại cùng dòng với nhau.
Các ứng dụng nhắn tin xuất hiện nhan nhản, tiết kiệm khá nhiều thời gian và tiền bạc
Điển hình là kể tới Viber, WhatsApp, iMessage hay Facebook Messenger cho phép người dùng nhắn tin không giới hạn, gửi bất cứ nội dung đến bất cứ ai mà không sợ tốn tiền điện thoại. Không chỉ tiện lợi, khả năng đồng bộ tin nhắn giữa nhiều thiết bị cũng là ưu điểm của các dịch vụ nhắn tin. Bạn có thể nhận tin nhắn, gọi video từ điện thoại rồi tiếp tục nhắn trên máy tính hay tablet mà không gặp vấn đề gì.
-
Nhận diện giọng nói trên điện thoại cùng trợ lý ảo
Nhận diện giọng nói trên di động cũng là một tính năng đánh dấu bước trở mình lớn của ngành di động. Có thể kể đến như Siri của Apple, Amazon với Alexa (2014) hay Google Assistant (2016). Giờ đây người dùng có thể ra lệnh bằng giọng nói để trợ lý thực hiện nhiều tác vụ khác nhau, tăng sự tiện ích khi sử dụng mà lại có thể tiết kiệm thời gian cũng như giảm bớt những tác vụ không cần thiết.
Nhận diện giọng nói cùng các trợ lý ảo là một tính năng phổ biến
-
Trí tuệ nhân tạo AI
“Trí tuệ nhân tạo sẽ làm cho thiết bị của bạn trở nên thiết yếu hơn bao giờ hết, thậm chí không thứ nào có thể thay thế được loại trí tuệ này." - Phát biểu của Tim Cook đã phần nào nói lên trí tuệ nhân tạo trên di động thực sự là một phát minh tầm cỡ của con người. Về phương diện người dùng, trí tuệ nhân tạo cũng đóng vai trò lớn trong các ứng dụng mà chúng ta tiếp cận hàng ngày. Ví dụ như Siri hay Google Assistant có thể học thói quen, đưa ra gợi ý dựa trên sở thích của người dùng.
Trí tuệ nhân tạo AI ngày càng có triển vọng phát triển trên di động
Trí tuệ nhân tạo AI còn có thể giúp cho người dùng sở hữu những bức ảnh “thật như mắt nhìn” bằng việc tham gia điều chỉnh hệ thống camera. Nó cũng được “mời” vào hệ thống bảo mật để học hỏi và tạo ra lá chắn vững bền nhất cho chiếc smartphone của bạn.
Một số điện thoại tích hợi AI đáng sở hữu: iPhone 7 Plus xách tay, Google Pixel, Samsung Galaxy S8, ..
7. Kết nối không dây
Cách đây 10 năm, Wifi gần như là một thứ xa xỉ khi mọi người thường quen thuộc với các kết nối mạng có dây. Thế nhưng giờ đây, bạn lại hiếm khi có thể tìm được một địa điểm công cộng mà thiếu đi bóng dáng Wifi, hay thậm chí tìm được một gia đình không dùng wifi cũng là một điều khá lạ.
Để đáp ứng nhu cầu kết nối lớn, bản thân công nghệ Wi-Fi cũng đã có những cải tiến về tốc độ, băng thông và bảo mật qua mỗi năm. Thậm chí do nhu cầu người dùng quá nhiều mà các nhà sản xuất còn đưa ra giải pháp kết hợp sử dụng nhiều bộ định tuyến để cùng phát một mạng Wi-Fi cho tốc độ, băng thông cao hơn, giảm tình trạng tắc nghẽn khi phải kết nối quá nhiều.
Không chỉ Wifi, Bluetooth cũng chứng minh bản thân với việc kết nối được hầu hết thiết bị không dây như (loa, tai nghe, bàn phím, chuột...) với độ trễ thấp, tốc độ và phạm vi kết nối cao.
Kết nối không dây ngày càng được nâng tầm giá trị
Lời kết:
Với tốc độ phát triển này, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng vào một tương lai khi chiếc smartphone có thể hỗ trợ tối đa không chỉ ở mặt hình ảnh, liên lạc hay kết nối mạng mà còn có thể hỗ trợ con người nhiều hơn trong việc tích hợp hỗ trợ công việc, kiểm soát các thiết bị gia đình hay điều khiển từ xa với các loại phương tiện chẳng hạn.
Hãy cùng chờ đón nhé!